Tại bài viết này, LuatVietnam sẽ cung cấp thông tin giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 đến lớp 12 phù hợp nhất với bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
1. Tổ hợp môn học lớp 10 được lựa chọn mấy môn?
Hiện nay, nước ta đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT.
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9)
- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Khi vào lớp 10, ngoài 08 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh sẽ phải lựa chọn tổ hợp 04 môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Cụ thể, nội dung giáo dục trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 bao gồm:
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Học sinh chọn 04 môn học từ các môn học lựa chọn này.
Các chuyên đề học tập:
Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học.
Các chuyên đề này thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.
Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 03 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
2. Nên chọn tổ hợp môn học lớp 10 như thế nào?
Để chọn tổ hợp môn học lớp 10 phù hợp với mình, học sinh cần cân nhắc kỹ:
Lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực
Học sinh cần xác định được thế mạnh cũng như năng lực của bản thân. Từ đó, đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất với khả năng của mình.
Lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với sở thích
Hãy xem xét các tổ hợp môn phù hợp với sở thích và đam mê của học sinh. Khi được học những thứ mà mình yêu thích, học sinh sẽ phát huy tối đa khả năng tư duy và sự sáng tạo. Vì vậy, việc lựa chọn môn học phù hợp với sở thích là rất quan trọng.
Định hướng nghề nghiệp tương lai
Học sinh nên tìm hiểu kỹ về các yêu cầu, kiến thức và kỹ năng cần có trong lĩnh vực, nghề nghiệp mà mình hướng tới trong tương lai, từ đó đưa ra phương án lựa chọn môn học phù hợp.
Học sinh có thể tham khảo thêm ý kiến, sự hỗ trợ của giáo viên, phụ huynh để xác định được mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của mình.
Lựa chọn môn học dựa vào thế mạnh nhà trường
Để lựa chọn môn học dựa trên thế mạnh của nhà trường, học sinh cần tìm hiểu về cơ sở vật chất, giáo viên, chất lượng giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa của trường. Ngoài ra, việc nhà trường liên kết với các trường đại học và các tổ chức đào tạo sau đại học hay không cũng rất cần lưu ý.
Người học có thể gặp những giáo viên, phụ huynh để được hỗ trợ và tư vấn về việc lựa chọn các môn học phù hợp nhất với thế mạnh của trường. Nếu cần, bạn nên xin tư vấn trực tiếp từ giáo viên hoặc chuyên gia tư vấn tuyển sinh để được hỗ trợ tốt nhất và tránh mắc sai lầm.
3. Học sinh có được chọn lại tổ hợp môn học lớp 10 đã đăng ký không?
Theo Công văn 68/BGDĐT-GDTrH, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh trung học phổ thông cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12.
Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.
Hiệu trưởng sẽ xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Học sinh được nhà trường cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Ngoài ra, trong bản cam kết đồng thời phải có cả xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ.
Nhà trường phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Trên đây là thông tin về tổ hợp môn học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.