Ăn cây táo, rào cây sung là gì? NLĐ tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty khác xử lý ra sao?
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe qua câu “Ăn cây táo, rào cây sung”, đặc biệt là trong các câu chuyện cổ tích hoặc trong những bộ phim. Tuy nhiên sẽ có một số người không có hiểu rõ về khái niệm, ý nghĩa của câu tục ngữ này. Vì vậy cho nên bài viết sau đây sẽ giải thích ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ “Ăn cây táo, rào cây sung”.
Theo nghĩa thực tế, ta dễ nhận thấy câu tục ngữ “Ăn cây táo, rào cây sung” có nghĩa là ăn quả của cây táo, nhưng lại đi chăm sóc và bảo vệ quả cây sung.
Còn nếu xét theo nghĩa bóng thì câu tục ngữ này có thể hiểu rằng để chỉ những người hưởng lợi lộc nơi này nhưng lạ̣i đi bảo vệ, làm lợi cho một nơi khác. Hay chính là việc người hưởng quyền lợi kể cả vật chất, hay tinh thần từ một cá nhân/ tổ chức này, nhưng lại mang lòng tham lam, muốn được nhận thêm giá trị từ một cá nhân/tổ chức khác.
Như vậy, câu tục ngữ "Ăn cây táo, rào cây sung" hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về đạo lý làm người. Trước hết, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng biết ơn. Khi được hưởng lợi từ một nơi, một người nào đó, ta cần phải biết ơn và trân trọng những gì mình đã nhận được.
Thứ hai, câu tục ngữ này còn phê phán những người không trung thành, những kẻ lợi dụng những gì mình có được để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc cho một nơi khác.
Cuối cùng, câu tục ngữ cũng gợi mở về ý niệm công bằng. Khi ta nhận được điều gì đó, ta cũng cần phải có trách nhiệm đóng góp lại cho nơi đó, để thể hiện sự biết ơn và sự công bằng.
Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty khác xử lý ra sao?
Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp thể hiện rõ hình ảnh của câu tục ngữ “Ăn cây táo, rào cây sung”, có thể kể đến một số như:
- Trong gia đình: Một người được gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nhưng lại không quan tâm đến cha mẹ khi họ già yếu.
- Trong công việc: Một nhân viên được công ty đào tạo, nâng cao năng lực nhưng lại tìm cách tiết lộ thông tin về bí mật kinh doanh cho công ty đối thủ.
Pháp luật cũng đã có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty khác của người lao động.
Cụ thể căn cứ theo Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, theo đó nếu có các hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000:
- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Cũng tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định rằng mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Theo các quy định nêu trên ta có thể đi đến kết luận rằng người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty khác sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng và tối đa đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Ngoài ra còn chịu hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, câu tục ngữ "Ăn cây táo, rào cây sung" là một bài học về đạo đức, khuyên chúng ta nên sống có trách nhiệm, biết ơn và trung thành. Đây là một câu nói có giá trị giáo dục, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về hành vi của mình và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì môi trường công sở rất dễ dàng xảy ra chuyện “ăn cây táo, rào cây sung”, ví dụ như hình ảnh nhân viên được công ty được đào tạo, hỗ trợ nhưng lại tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty đối thủ. Hành vi này bên cạnh việc bị phê phán, người lao động cũng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền tối đa lên đến 150 triệu đồng.